Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Rượu dừa Bến Tre

Phảng phất nhưng cũng đầy dư vị, rượu dừa đã lắm lúc làm người ta ngất ngây. Cái lạ của rượu cũng lắm lúc khiến những ai chưa từng thưởng thức qua thảng thốt: xứ dừa quả có những đặc sản lạ lùng!

Không ai có thể hình dung rõ ràng về loại rượu này nếu chỉ thoáng nghe tên gọi. Cái tên lạ lẫm đến cuốn hút. Rượu dừa thì tất phải liên quan đến dừa nhưng làm thế nào để người dân bản xứ có thể ấp ủ và cho ra đời loại rượu tinh tế như thế? Chẳng có gì gọi là bí quyết đối với những người làm ra nó. Tất cả chỉ đơn giản là sự hòa hợp của những nguyên liệu tự nhiên, trải qua quá trình chưng cất nhất định và tạo nên hương vị đặc trưng hiếm có.

Thêm một đặc sản từ dừa
Nếu nói về cái “thú say” thì ẩm thực Việt có bao điều thú vị. Từ những loại rượu của vùng núi ngàn lừng lẫy như rượu cần, rượu táo mèo, rượu ngô Nà Hang đến các loại rượu bình dân của xứ sở đồng bằng như nếp than, rượu gạo, tất cả đều khiến lắm kẻ ngất ngây. Ấy thế mà có một loại rượu chẳng thể làm người ta say, nếu có chăng thì chất men nồng của nó dễ làm người ta nhớ: nhớ về một vùng đất của ba dải cù lao, nhớ về những con người chất phát và bao đặc sản khó quên.

Cây dừa gắn bó máu thịt với người dân Đồng Khởi từ bao đời nhưng hình như rượu dừa mới được biết đến như một đặc sản của vùng chỉ vài năm trở lại đây. Câu chuyện cũng bắt đầu với những con người tâm huyết với cây dừa quê hương. Họ là những ông chủ của thương hiệu rượu dừa Bến Tre. Bỏ công mày mò với trái dừa xứ sở, bao sáng kiến nảy nở để rồi cuối cùng chắt lọc được thức ngon hiếm có. Đặc sản xứ dừa luôn có sức hút lạ: bình dị, ngọt ngào, chất phát và hiền hòa như người dân quanh năm gắn bó với mảnh đất này. Thế là nhắc đến đặc sản Bến Tre, nhiều người có thể hồn hậu thêm vào hai tiếng rượu dừa như một minh chứng cho sự ưu đãi của thiên nhiên đối với vùng đất này. Rượu dừa Bến Tre đã trở thành sản phẩm thương mại. Những “bình rượu” được “đúc” hoàn toàn từ trái dừa tươi được cho vào những túi lưới nhỏ, đi khắp mọi miền để quảng bá cho sản phẩm làm nên một nét đặc trưng xứ sở. Rượu dừa góp vào danh sách các loại rượu ba miền như một hương lạ. Không phiêu du như rượu cần, không cay nồng như Bàu Đá, không chan chát mặn ngọt như rượu táo mèo, rượu dừa có hương của đất, của người, của cây dừa quê đến độ đậm đà. Uống rượu dừa không phải để say men mà để say lòng, một cái gì đó phảng phất nhưng đầy dư vị.

Say rượu hay say lòng?
Rượu dừa chẳng thể làm ai say, có chăng sẽ khiến ai đó “ứ ừ”, tỉnh táo nhận ra thứ này làm họ say theo cách khác, cái cách quyến rũ của hương quê chứ không phải là chất men ủ thuần túy. Những ai đã từng thưởng thức rượu dừa, mới lần đầu sẽ có sự ngần ngại ngay đầu lưỡi vì rượu nhưng không hẳn là rượu, cay thâm thúy đó nhưng cũng ngọt ngào ngay đó. Uống mãi đến hết bình, cảm giác say chỉ mới ngà ngà, giống như cái cảm giác ngất ngây trước một sự mê hoặc khó cưỡng. Rượu có hương men, hương nếp và tất nhiên là hương dừa. Sự hòa quyện của những nguyên liệu nồng nàn cho ra một loại rượu đặc sản. Uống rượu dừa hẳn cũng như một cách giải khát, chỉ có điều thức uống này lạ lùng quá đỗi. Nghe qua về quy trình làm rượu, cũng thấy hẳn sự công phu. Trái dừa được chọn phải là dừa già, cơm dày, béo mỡ màng và thơm ngai ngái. Hình dáng bên ngoài của quả cũng quan trọng. Thông thường, những quả có đường kính quả từ 16 đến 18 cm, cân nặng từ 1,2 đến 1,4 kg (sau khi đã lột sạch vỏ) mới được chọn. Lớp sùi bên ngoài được mài nhẵn cho trơn láng để tạo độ bóng đẹp, ấn tượng như một bình rượu bầu.

Nếp cái chọn loại căng tròn, hạt mẩy, trộn với men cổ truyền chuyên dùng cho rượu nếp. Sau đó, người ta khoét một lỗ nhỏ trên đầu quả dừa, tiêm hỗn hợp nếp cái, men vào theo một tỉ lệ nhất định, hàn kín và ủ từ 15 đến 20 ngày là có thể dùng được. Rượu có màu trắng ngà, vân vẩn đục với những chấm xác dừa lơ lửng.

Rượu có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng của trái dừa bản xứ, vừa nồng nàn, vừa thanh tao, dịu nhẹ. Trong những ngày se se, dùng rượu dừa hâm nóng sẽ tốt và ấm hơn, ngược lại, những ngày oi nồng, một chút mát lạnh sẽ làm rượu càng thêm ngon. Nói là rượu nhưng đây không hẳn dành cho nam giới bởi người phụ nữ khi đã mê thì cũng dễ say với rượu dừa. Rượu làm cho nét chấm hồng trên khuôn mặt của người thiếu nữ thêm hao hao, làm nét duyên ngầm càng thêm quyến rũ. Một phương pháp sản xuất rượu đại trà hơn nữa là thông qua quá trình chưng cất từ nước dừa. Nước dừa được lọc, ủ men, sau đó được trưng lên như cách làm rượu nếp hay rượu gạo. Tuy nhiên, hương dừa sẽ giảm và rượu cũng không có được vị hòa quyện khi được ủ ngay trong lòng trái. Ngày nay, về Bến Tre, du khách dễ dàng tìm thấy những “mẻ” rượu dừa được bày bán dọc các tuyến đường. Đừng ngại ngần để thử vì hương vị thật rất khó quên.

Ngất ngây với rượu táo mèo Sa Pa

Cây táo mèo (Sơn tra) mọc hoang rất nhiều trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Quả táo mèo được người dân ngâm ủ thành một loại rượu có màu nâu và vị ngọt thơm đặc trưng. Táo mèo có tác dụng an thần, chữa được nhiều loại bệnh về thần kinh như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt...

Táo mèo là loại rượu dân dã nhưng độc đáo. Quả táo mèo thấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất trời và nắng gió vùng cao nên có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Quả táo mèo được ngâm ủ rất kỹ, rồi chắt thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Rượu táo mèo ban đầu uống cảm giác như uống nước ngọt có ga, nhưng càng uống càng ngất ngây.

Đến Sa Pa, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh đẹp của thiên nhiên, sức hấp dẫn từ những món ăn đặc sản của vùng đất sương mù, mà còn được chếnh choáng say trong men rượu thơm nồng của táo mèo.

Ở Sa Pa, cây táo mèo mọc hoang sơ trên dãy Hoàng Liên Sơn. Táo mèo lớn lên trong mưa gió, tự ra hoa kết trái, như là một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào người Mông ở đây. Có tên gọi là táo mèo vì đây là vùng đất của người Mông sinh sống, ngoài ra còn có tên gọi khác như "quả chua chát" hay "quả tình yêu" vì nó vừa có đầy đủ tất cả các vị đó.

Nói về tên gọi "quả tình yêu", người dân ở đây cho biết: "Những người con trai, con gái khi chưa yêu nhau, sau khi cùng uống bát rượu, họ sẽ say nhau, cái say như lời ước nguyện bên nhau suốt đời. Họ cùng chia sẻ với nhau hương vị đắng, cay, chua, ngọt trong rượu táo mèo cũng như trong cuộc sống".

Táo mèo bắt đầu ra hoa vào cuối mùa xuân (tháng 3-4) và có quả vào mùa thu. Du khách có thể mua táo mèo tươi trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, đây là lúc táo mèo được người Mông bày bán khắp các chợ ở Sa Pa.

Dưới đây là cách chế biến và ngâm rượu táo mèo phổ biến nhất:

Chế biến:

- Rửa sạch táo với nước, để ráo. Cắt bỏ hai đầu, không gọt vỏ, không bỏ hạt vì hạt táo rất tốt. Bổ đôi quả táo, ngâm trong nước sạch khoảng 1 tiếng.

- Sau đó vớt ra, ngâm trong nước muối pha loãng thêm 30 phút. Rửa sạch lại.

Ngâm táo với đường:

- 2 kg táo ngâm với 1 kg đường, một lớp táo được phủ một lớp đường.

- Sau hai tuần thì thấy táo nổi lên trên nước đường, quan sát dưới đáy còn lại 1 lớp đường chưa tan.

Ngâm tiếp với rượu:

- Chắt nước cốt táo đường ra, để lại quả táo. Sau đó đổ rượu vào ngâm, số lượng rượu chiếm 1/2 diện tích bình dùng để ngâm.

- Sau hai tuần là có thể dùng được.

Cách dùng:

- Để có hiệu quả cao nhất thì ngày dùng hai lần, mỗi lần 1 đến 2 chén, có thể pha thêm nước cốt táo vào cho hợp khẩu vị.

- Rượu táo mèo có tác dụng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, an thần, trấn tĩnh, góp phần lập lại cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tình trạng tăng huyết áp gây ra. Quả táo mèo được coi là một vị thuốc an thần, ngoài ngâm rượu, có thể thái lát mỏng, phơi khô để dành. Nếu trong nhà có người mất ngủ cỏ thể đun nước cho uống.

Có thể ngâm rượu táo mèo trong các bình bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa.

Rượu ba kích bổ thận, tráng dương

Ba kích (Radix Morindae officinalis) là rễ của cây ba kích hay dây ruột gà (Morinda officinalis How), họ cà phê (Rubiaceae). Ba kích thuộc loại cây thảo, leo bằng tua quấn, dài hàng mét. Thân non màu tím, có lông, sau nhẵn.

Người ta thu hoạch rễ ba kích vào những ngày đẹp trời của mùa đông. Trước hết, đem rửa sạch đất cát, phơi độ 5 - 7 nắng cho tới khô; hoặc trước khi phơi, đem đồ chừng 30 - 45 phút cho giảm độ thủy phân của rễ rồi mới đem phơi khô hoặc sấy khô. Khi rễ gần khô, dùng dùi gỗ đập nhẹ cho rễ bẹp ra, rồi phơi tiếp đến khô. Trước khi dùng, đem rễ rửa sạch, ủ mềm độ 1 giờ, rồi bóc bỏ lõi, cắt thành đoạn 3 - 5cm. Sau đó tiến hành chế biến cổ truyền với một số phương pháp sau đây:

Ba kích chích rượu:

Ba kích 1.000g; rượu trắng (35 - 40%) 150ml. Đem rượu trộn đều vào ba kích phiến, ủ 1 - 2 giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô.

Ba kích chích muối ăn:

Ba kích 1.000g; 150ml dung dịch muối ăn 5%. Đem dung dịch muối ăn trộn đều vào ba kích, ủ 2 - 4 giờ cho ngấm đều. Sao vàng.

Ba kích chích cam thảo:

Ba kích 1.000g; cam thảo 50g. Cam thảo được cắt nhỏ, sắc với nước 3 lần, mỗi lần 150ml nước sạch, đun sôi trong 30 phút. Gộp dịch sắc, cô còn 150ml. Đem dịch cam thảo trộn đều với ba kích, ủ 6 giờ cho ngấm đều. Sao vàng.

Như vậy, việc chế biến ba kích là cần thiết, vì nó sẽ đạt được các mục đích như tăng được tính dương khi chích với rượu, tăng quy kinh thận khi chích với muối ăn, loại đi các chất gây ngứa khi chế với cam thảo…

Theo YHCT, ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Quy kinh thận. Có tác dụng bổ thận, tráng dương. Dùng trong các trường hợp thận dương suy, dẫn đến các chứng di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm) hoặc phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ), muộn con hoặc các trường hợp đau lưng đau gối, đau xương khớp…

Như ta đã biết, thành phần hóa học chính của ba kích là các hợp chất anthranoid: tectoquinon, 1- hydroxyl -2, 3 - dimethyl-anthraquinon…; Các hợp chất iridoid: asperulosid, morofficialosid… có nhiều các nguyên tố vi lượng, vitamin C. Về tác dụng sinh học, ba kích có nhiều biểu hiện tốt về khả năng tăng cường hiệu lực của nội tiết tố androgen, tăng cường khả năng bơi của chuột thí nghiệm, lại có tác dụng hạ huyết áp, chống viêm, chống độc tốt. Trên thực tế, thường sử dụng ba kích phối hợp với một số vị thuốc khác để tăng thêm tác dụng như thuốc hoàn ba kích: ba kích 80g, sừng hươu 200g, tiểu hồi 60g, phụ tử chế 16g, quế nhục 30g, thục địa, hoài sơn, mỗi vị 160g, mật ong vừa đủ làm hoàn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 16 – 20g hoặc dưới dạng ngâm rượu ba kích.

Rượu ba kích

Dùng một trong những sản phẩm ba kích chế biến ở trên để ngâm rượu. Đem ba kích chế tán thành bột thô (kích thước 5x5mm), trần bì thái chỉ, sao vàng, cắt nhỏ, tiểu hồi, vi sao, giã dập, ngâm với rượu trắng theo tỷ lệ: ba kích chế 1.000g; trần bì (sao vàng) 50g; tiểu hồi 20g; rượu trắng (35-40%) 3lít.

Cho rượu vào bột nói trên, lần 1, ngâm 1 tháng. Độ vài ngày lại lắc hoặc quấy một lần. Gạn lấy dịch rượu ngâm, bảo quản trong một lọ riêng, nút kín.

Ngâm lần 2: Thêm 2 lít rượu với nồng độ trên, ngâm tiếp 3 tuần lễ. Gạn lấy dịch ngâm.

Ngâm lần 3: Thêm 2 lít rượu vào ngâm tiếp 2 tuần lễ. Gạn lấy dịch ngâm.

Phối hợp dịch rượu ngâm của 3 lần, lắc đều. Để lắng, gạn, lọc.

Cũng có thể ngâm riêng rượu của trần bì, tiểu hồi rồi pha chế vào dịch ngâm của rượu ba kích. Việc gia thêm trần bì và tiểu hồi vào rượu ba kích với mục dích tăng thêm tính dương và tăng thêm mùi vị thơm ngon cho rượu ba kích. Cũng có thể pha thêm một chút đường kính vào rượu trên cho dịu.

Để tăng tác dụng bổ thận dương, có thể ngâm thêm vào công thức trên 200g bột thô hà thủ ô đỏ (chế với đậu đen), 100g bột thô đỗ trọng (chích muối ăn).

Rượu ba kích có thể chất trong, màu nâu đậm, mùi thơm, vị ngọt. Có tác dụng bổ dương. Dùng tốt cho các trường hợp thận dương kém, sinh dục kém. Tốt cho cả hai giới. Ngày có thể uống 2-3 lần, mỗi lần 20-30ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Để có sản phẩm rượu ba kích tốt, ngoài việc phải chọn dược liệu tốt, đồng thời chọn rượu ngâm phải là rượu do các cơ sở đã được đăng ký chất lượng sản xuất thì mới mang lại hiệu quả. Trên thị trường hiện nay có sản phẩm rượu ba kích của Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội Halico là sản phẩm đáng tin cậy, người sử dụng có thể tìm mua.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Rượu Việt

Nước Việt ta có nền văn minh lúa nước, nên rượu Việt truyền thống gần như đều được làm ra từ ngũ cốc: lúa, ngô, sắn...

Mỗi nơi cho ra một loại rượu khác nhau, từ hương thơm đến vị ngọt cay, chất men say, cùng cảm giác khi uống một hớp rượu đều không trùng lặp tạo nên hứng thú riêng đối với từng loại rượu của từng vùng miền, rất quyến rũ hấp dẫn. Thổ nhưỡng, thời tiết cho nhiều lọai ngũ cốc không giống nhau, nước mỗi vùng mỗi khác, rồi công thức làm men ủ, các loại lá cây tạo mùi hương, nhiệt độ khi chưng cất và cả những kinh nghiệm truyền đời của dòng tộc, hàng họ, làng bản… Tất cả tạo nên những danh tửu có hương vị khác nhau, danh bất hư truyền - quốc tửu Việt Nam.

Theo chiều dài đất nước, ngoài các sản vật trên rừng dưới biển, ngang dọc các vùng châu thổ, duyên hải… không thể thiếu được chất men say gắn liền với tên miền đất, chính đó là một yếu tố giữ chân bao khách phương xa tìm đến một lần rồi nhớ, rồi không thể quên để lại tìm về.

Rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn, rượu bản Phố - Bắc Hà, rượu San Lùng – Bát Xát – Lào Cai, rượu Đao – Yên Bái, rượu Bó Nặm – Bắc Cạn, rượu Làng Vân – Bắc Giang, rượu Đại Lâm – Bắc Ninh, rượu Thổ Hà – Vĩnh Phúc, rượu Trương Xá – Hưng Yên, rượu Phú Lộc – Hải Dương, rượu Làng Vọc – Hà Nam, rượu Tĩnh Xá, rượu Nga Sơn, rượu Kim Long, rượu Làng Chuồn, rượu Đá Bạc, rượu Bồng Sơn, rượu Phú Lễ - Bến Tre, rượu Xuân Thạch, rượu Tân Lộc,… Các loại rượu cần Tây Bắc, Tây Nguyên...

Gần như miền đất nào cũng có một loại rượu của riêng mình, để mình uống, mình say, và đãi khách phương xa.

Trong làng danh tửu Việt, có ba loại được liệt vào “Đệ nhất danh tửu – mỹ tửu”, thuộc ba vùng Bắc – Trung – Nam, với ba hương vị, tính cách khác nhau rất đặc biệt. Rượu Làng Vân, rượu Bàu Đá, rượu Phú Lễ. Ba loại rượu này như ba cung bậc của niềm đắm say, uống một lần là không dễ gì quên được.

Rượu Làng Vân, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, còn gọi là “Vân Hương mỹ tửu”, tao nhã, vị êm nồng, đầm sâu. Rượu này không uống nhanh, uống vội mà uống từng hớp một để cảm chất men thấm từ từ, đọng trong đầu lưỡi vị ngọt thơm của hương lúa nếp ủ nắng gió miền đất trung du thơ mộng, ngấm cái lâng lâng mơ màng của những dòng sông uốn lượn như dải lụa vắt ngang qua các sườn núi có vài chiếc thuyền lá trôi xuôi chở những câu hát dân ca thắm duyên tình quê. Rượu Làng Vân được ví như “Văn”, dùng đãi các bậc văn sĩ, chính khách, những người nho nhã, lịch lãm, tao nhân mặc khách. Có thể tưởng tượng, ngày xưa, các bậc thi nhân đã cùng đối ẩm bên ly rượu Làng Vân để rồi hậu thế có được biết bao nhiêu áng thơ đẹp lưu truyền mãi mãi.

Rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã An Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định, mang trong mình nhiều huyền thoại truyền thuyết. Rượu của người Chăm tiến Vua, rượu của lưu dân mở cõi, rượu của tướng lĩnh nhà Trần làm nhiệm vụ nhớ quê làm ra… Rượu có vị thơm nồng quyến rũ, như một sự mời gọi cuồng nhiệt, mở hũ rượu ra là không thể kìm nén được, không thể đợi chờ được. Uống ực một hớp, sức nóng như dội lên mạnh mẽ nhưng không gắt, để rồi hương rượu như lan tỏa len sâu từ cổ họng đến khắp người, bừng bừng chất men ngọt, uống say vẫn tỉnh, không loạn trí đau đầu. Rượu Bàu Đá được ví như “Võ”, dùng đãi các bậc tướng lĩnh, những  người có khí chất mạnh mẽ, hào sảng. Về Bình Định, một lần nào vừa xem các vị nữ lưu quần hồng đánh roi, đi quyền, vừa uống ly rượu Bàu Đá, tự dưng cảm thấy mình như đang sống trong khung cảnh đầy hào khí võ đạo Việt.

Rượu Phú Lễ, ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Trì, Bến Tre, loại rượu của xứ dừa mang hương vị vùng châu thổ sông Mê Kông, đậm đà, phóng khoáng, như nắng gió phương Nam, như cái mênh mang của vùng sông nước Nam Bộ. Uống ly đầu tiên, cảm giác lâng lâng bay bổng, rồi cứ mềm môi uống quên trời đất, để dốc hết tâm can cùng tri kỷ tri âm, để rồi bên ly rượu “bốn bể là nhà”, “tứ hải giai huynh đệ”, không đố kỵ, không ganh đua, không khoảng cách sang hèn… chủ - khách là tri âm. Rượu Phú Lễ được ví như “Lãng tử”, dùng cho các dạ tiệc đông người, đãi bạn tri giao. Nếu như ai có dịp về Miền Tây Nam Bộ, một đêm ngồi trên ghe bồng bềnh sóng nước sông Tiền, sông Hậu, nghe đờn ca tài tử, uống ly rượu Phú Lễ, cảm giác thật tiêu diêu, tự tại.

Ngoài những danh mỹ tửu thuộc loại “Đệ nhất quốc tửu” như ba loại trên còn có những danh tửu khác không kém phần hấp dẫn những đệ tử “túy tiên”. Ai đã từng qua miền Tây Bắc, đắm say trong cái ngút ngàn núi mây, với các điệu khèn, sáo, kèn lá, cồng chiêng…,  sắc thổ cẩm như thêu hoa cho các đỉnh núi xám phủ sương, và màu trắng như dệt thảm của hoa ban, hoa mận mùa xuân, chen vào mùi thơm của thảo quả, hương hồi của người H’Mông, Dao, Mường… không thể quên những thứ rượu mang hồn núi rừng. Rượu Ngô Bản Phố, Bắc Hà, hừng hực cháy bỏng cuồng nhiệt, rượu nếp Sán Lùng, người Dao bản Xèo, Bát Xát – Lào Cai vần vũ mây mưa, vị the nóng ấm của rượu sắn Mai Hạ xứ Mường, Mai Châu, Hòa Bình...

Rượu ngô Bản Phố, nằm dưới chân núi Cô Tiên, Bắc Hà, trong vắt như nước suối thượng nguồn, lăn tăn sủi tăm, vị ngọt cay, uống hớp nhỏ đã thấy nóng bừng mặt, sức nóng sau đó lan tỏa khắp cả người, chất men say như hấp lực huyền bí, chả thế mà vào phiên chợ vùng cao, bao nhiêu chàng trai H’Mông đã say quên cả rừng núi, vắt vẻo trên mình ngựa để vợ, bạn tình đưa về nhà, còn người dưới xuôi một khi đã nếm vị rượu Bản Phố thì không thể quên được, đã vì “rượu ngon một chén như ngàn chén”. Nhỏ một giọt rượu vào bàn tay, hơi rượu như làn khói vô hình tan trong mờ ảo của sương mây quyến rũ lạ kỳ. Và nếu như được một lần tới bản Phố, đừng quên ghé vào một nhà người H’Mông đang nấu rượu, nếm thứ rượu ngô vừa chưng cất còn nóng bỏng môi, kèm theo vị béo ngọt của xâu thịt hun khói nấu rượu… Không có hương vị nào so sánh được.

Rượu San Lùng của người Dao núi Pò Sèn, Bảt Xát, Lào Cai được gọi là “rượu của Trời” theo một truyền thuyết xa xưa ở vùng núi này. Tiên nữ xuống suối  Pò Sèn lấy rượu để Thiên Đình đãi tiệc quần tiên. Sán Lùng – Tam Long – Ba con rồng hút nước. Rượu được dùng cúng tổ tiên, lễ tết,  hội hè, cưới hỏi, đãi bạn hiền. Rượu được làm từ hạt lúa ngậm sữa dẻo, lọai lúa  nương trồng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn núi, ủ thành mộng, rồi kết hợp các thảo dược núi rừng làm men, làm hương, có vị chống lạnh trừ cảm, có vị lưu thông kinh mạch ngừa đau gân cốt, có vị không đau đầu. Nước chưng cất phải là nước suối Pò Sèn tinh khiết. Rượu uống vào, hương thơm lan tỏa đê mê châu thân, người sảng khoái, dù uống say không nhức đầu. Rượu này mang về xuôi uống trong ngày Tết, chỉ muốn say cho hết ba ngày xuân, để được thấm cái vị “tiên tửu” miền sơn cước, để mơ về một sơn nữ thoát tục xứ núi.


Rượu sắn Mai Hạ của người Mường, Mai Châu, Hòa Bình, rất đặc biệt. Chưng cất từ vỏ sắn được đồ chín, ủ với các loại lá rừng làm men,mà tương truyền chỉ có rừng ở Mai Châu là có các loại lá này, sau đó cho vào lọ chưng cách thủy để ra những giọt rượu trắng trong như giọt sương mai nặng 60o, nặng thế nhưng uống cả ngày không đau đầu. Vì rượu say nồng, đằm thắm uống vào cảm thấy ấm áp. Nhất là vào những đêm trăng, ngồi uống rượu cùng những thiếu nữ Mường, nghe hát Then, Sli… vị rượu như càng nồng ấm hơn bởi trong ly rượu như có đôi mắt long lanh tình tứ của người đẹp xứ Mường. Rượu Mai Hạ như sợi dây tình gắn kết tình cảm mọi người với nhau. Trong tiếng cồng chiêng, trong ánh lửa bập bùng, chất men xứ Mường làm cho người ta như lạc vào cõi tiên đầy thơ mộng.

Đất Lạng Sơn nơi có con sông Kỳ Cùng huyền thoại, có câu chuyện tình nàng Tô Thị chung thủy chờ chồng, có chùa Tam Thanh linh thiêng huyền bí, có phiên chợ “Lượn” vào mùa xuân mê hoặc nam thanh nữ tú cả ở dưới xuôi tìm về, còn nổi tiếng cả miền ngược xuôi loại rượu mang tên núi Mẫu Sơn – ngọn núi thiêng của người vùng này. Có lẽ gạo để nấu rượu thấm đẫm gió – sương – khí núi, men ủ từ lá rừng, không chỉ mang hương núi mà còn ẩn chứa huyền thoại của từng loại lá, nên khi uống chén rượu Mẫu Sơn, hình như bao sầu muộn vơi đi hết..Ai có những phiền muộn, thử một lần nhấp ly rượu Mẫu Sơn trong ngày đầu xuân mới, sẽ thấy thanh thản kỳ lạ.

Không chỉ các loại rượu chưng cất từ ngũ cốc, còn có những loại rượu ủ men, nhưng trong thành phần làm nên hương vị rượu không thể thiếu một ít vỏ trấu - vỏ ngoài của hạt lúa: Rượu cần các miền rừng Tây Bắc, Tây Nguyên. Rượu cần là loại rượu dành riêng cho núi rừng, chỉ khi uống trong không gian tràn ngập tiếng chiêng cồng lễ hội, giọng kể Khan, hát Hơmon, Hơri, Alư bên bếp lửa của những người dân tộc Êđê, Bana, Giarai,… nơi rừng núi đại ngàn Tây Nguyên, hay trong nhịp xòe hoa, hát khắp, Hạn Khuống của người Thái miền Tây Bắc huyền ảo thì mới thấy cái thi vị say đắm của rượu, mới có thể uống hết ngày qua đêm mà vẫn cứ muốn uống hoài uống mãi.

Nếu kể hết hương vị các loài rượu Việt, có lẽ phải mất nhiều ngày nhiều đêm và phải uống hết không biết bao nhiêu bình rượu, mà chưa chắc đã hết đã đủ. Nước Việt Nam ta có rất nhiều niềm tự hào, từ lịch sử 4000 năm dựng nước giữ nước, đất nước bốn mùa hoa thơm trái ngọt, rừng vàng biển bạc, đến con người Việt Nam kiên cường, nhân hậu không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào đe dọa… Còn nhiều niềm tự hào về những sản vật do chính bàn tay người dân Việt sáng tạo mang nét tinh hoa dân tộc sánh ngang với các quốc gia dân tộc khác, trong đó không thể thiếu niềm tự hào về rượu Việt – quốc tửu, không thua gì những danh tửu, mỹ tửu của các quốc gia danh tiếng về rượu trên thế giới.

Rượu rót tỉnh say, rượu đầy vơi

Trần gian ảo ảnh kíếp luân hồi

Bụi hồng vương vấn tình sương khói

Cạn chén tương phùng, nợ trúc mai.

http://ruoutruongxa.blogspot.com/

Đặc sản rượu trương xá

Rượu trương xá có đặc điểm trong suốt,tinh khiết,mùi thơm,uống ngọt giọng không sốc,nồng độ thường rất cao,trung bình từ 40-45 độ,rượu đậu nước đầu có khi tới 60-65 độ rót ra chén có bọt bám vào thành châm lửa bắt cháy ngay dùng ngâm thuốc rất tốt.
Nấu rượu ngon, tinh khiết,nồng độ cao trở thành tập quán của mọi gia đình ở làng nghề Trương Xá,để có được sản phẩm đặc biệt ấy người làng Trương đã phải tích lũy kinh nghiệm nhiều thế kỷ ,chú ý đến chất lượng của men ,nguyên liệu,quá trình ủ và chưng cất ,còn phương pháp chung thì không khác phương pháp cổ truyền mà các cụ xưa nay vẫn làm.
Để có được thứ rượu trương nổi tiếng cần rất nhiều yếu tố trong đó phải kể đến bí kíp làm men rượu ở đây với 36 vị thuốc bắc được bào chế như quế,đại hồi,tiểu hồi,cam thảo,cát cánh,xuyên khung...Biết các vị chưa đủ,quan trọng hơn là tỉ lệ trọng lượng giữa các vị trong bài thuốc và cách ủ men là bí quyết nâng cao chất lượng của rượu.Thông thường cứ 12kg gạo ngâm nước giã nhỏ ,lọc qua vải cho ráo nước nhào với 1kg thuốc tán nhỏ là vừa một mẻ men, trước khi đóng thành từng bánh men như cái bánh giầy phải đảo lẫn một hũ men cũ 4-5 cái để làm mồi gây cho men chóng dậy,men đóng thành từng bánh,xếp lên trấu khô từng lớp phủ kín bằng vải hay bao tải ở chỗ kín gió trong từ 4-5 ngày ngửi mùi thơm là được.Rượu trương xá truyền thống được nấu bằng thứ nếp cái hoa vàng được cấy trên nhưng chân ruộng màu mỡ quanh làng,khi lúa được thu hoạch ,phơi dầy qua nhiều nắng,gạo làm rượu chỉ sát bỏ trấu,vo đãi kĩ,mang nấu cơm vừa độ dẻo ,dỡ ra lia ,khi nguội xếp vào thúng,xung quanh nót lá chuối,cứ một lượt cơm lại rắc một lượt men đã tán nhỏ,xếp xong đậy kín bằng bao tải đặt thúng lên trên chậu sành để vào chỗ kín gió khoảng từ 5-6 ngày,cơm rượu có mùi thơm,nước chảy xuống chậu từng nửa lít thì cho vào hũ đổ thêm nước sạch vào ngâm từ 6-7 ngày nữa rồi mang cất hay còn gọi là nấu rượu,mỗi mẻ nấu hay còn gọi là một hũ hay một vò rượu cần 6kg gạo với 5 cái men cỡ trung bình,sau khi cất lấy nước khoảng 4 lít rượu 50 độ và lít rượu nhẹ hơn dùng để pha chế.